"Bao đậu 100%"
Chỉ cần tìm kiếm "dạy lái xe bao đậu" trên Facebook sẽ xuất hiện nhan nhản các fanpage có tên bắt đầu bằng chữ "trung tâm đào tạo lái xe" quảng cáo chiêu sinh rầm rộ. Và trong các bài đăng,ườitrẻhọcbằngláiôtôthibaođậuvàcáikếtbấtngờhòn trống mái nhiều fanpage cam kết với học viên "bao đậu".
Người viết liên hệ theo số điện thoại của "Trung tâm đào tạo lái xe G.Đ." để hỏi về việc đăng ký học và thi bằng lái B2. Sau khi báo giá, người viết được hứa: "Trung tâm sẽ bao đậu 100%".
Tương tự, đại diện một fanpage khác là "Trường dạy lái xe T.S." cũng nói chắc như "đinh đóng cột": "Bạn không phải tốn thời gian đi học quá nhiều. Chỉ cần đăng ký học, đóng học phí, còn mọi chuyện thi cử đã có trường lo. Đảm bảo đậu 100%".
Để thu hút người đăng ký, không ít fanpage quảng cáo với những lời "có cánh" như: muốn học ở khu vực nào cũng được, làm thủ tục nhanh chóng chỉ trong tích tắc, hỗ trợ khám sức khỏe miễn phí, cam kết tỉ lệ đậu 100% và nếu rớt thì trung tâm sẽ hoàn trả học phí, hỗ trợ lấy bằng sớm nhất sau khi thi 1 tuần…
Hay như: có đội ngũ giáo viên dày dặn kinh nghiệm, đi đầu trong ngành đào tạo lái xe ô tô, học viên được học bằng những dòng xe cao cấp nhất hiện nay với đầy đủ tiện nghi, được yêu cầu đổi giáo viên hoặc lựa chọn giáo viên phù hợp, được tặng miễn phí tài liệu, lịch học và lịch thi linh hoạt, thường xuyên tổ chức tập lái xe đường trường cả ngày lẫn đêm…
Bên cạnh đó, các "trung tâm đào tạo lái xe" còn thông tin trên các fanpage: học phí trọn gói không phát sinh, học phí có thể trả góp, được tặng bộ đề ôn thi "tủ", bản chuẩn "độc quyền", không cần đi học vẫn thi đậu dễ dàng…
Và tất nhiên, những fanpage này không quên hứa với học viên sẽ "bao đậu 100%". Ngoài ra, theo như quảng cáo, mức học phí sẽ được hỗ trợ giảm cả chục triệu đồng. Chẳng hạn như trong bài đăng của fanpage "Dạy lái xe ô tô H." thì bằng B1 (xe tự động) lẽ ra có mức giá 27,9 triệu đồng chỉ còn 17,9 triệu đồng, bằng B2 (xe sàn) cũng chỉ còn 15,9 triệu đồng thay vì 25,9 triệu đồng như trước đây. Tương tự, học bằng C (xe tải) chỉ phải đóng 19.9 triệu đồng thay vì 29,9 triệu đồng.
Một số fanpage khác thì đưa ra giá dao động từ 12 – 15 triệu đồng (đối với bằng B1), 15 – 17 triệu đồng (bằng B2), 18 – 20 triệu đồng (bằng C).
Cái kết bất ngờ
Nguyễn Đại Hưng (30 tuổi), ở 113/29 đường số 8, TP.Thủ Đức, TP.HCM, cho biết vì phải đi làm thường xuyên (đang là công nhân Công ty may Việt Thắng – PV) nên không có thời gian đi học lái xe ô tô một cách thường xuyên.
Tuy nhiên, vì muốn có bằng lái B2, Hưng đã tin tưởng vào lời quảng cáo trên một fanpage, đóng trước 12 triệu đồng. "Một người tự xưng là thầy dạy lái xe của Trường dạy lái P.M.H. đến tận nhà trọ của tôi để chụp ảnh, làm hồ sơ và thu lệ phí 12 triệu đồng. Người này nói đến ngày gần thi sẽ đóng thêm 8 triệu đồng. Tôi đồng ý. Nhưng sau đó, người này "lặn" mất tăm. Tôi cũng không thể tìm và truy cập vào fanpage nữa", Hưng kể.
Huỳnh Mạnh Chí (29 tuổi), làm việc ở Công ty ZitaHima, TP.Thủ Đức, cũng kể: "Sau khi đọc được thông tin một fanpage cam kết sẽ "bao đậu", tôi thử tìm kiếm trên mạng thì thấy địa chỉ mà fanpage ghi là địa chỉ thật. Nhiều bài viết cũng khen trung tâm dạy lái xe ấy uy tín nên không ngần ngại chuyển khoản đóng trước 50% học phí là 10 triệu đồng để thi bằng B2. Tôi được hướng dẫn làm thủ tục online. Nhưng chỉ sau 1 ngày, số điện thoại của người từng nhận là giáo viên của trung tâm không liên lạc được. Fanpage cũng biến mất. Tôi chạy lên trực tiếp địa chỉ mà fanpage từng đăng thì mới biết trung tâm thật bị kẻ xấu mạo danh để đào tạo lái xe. Lúc đó, tôi biết mình bị lừa".
Theo ông Nguyễn Trọng Tuân, Trường cao đẳng Giao thông vận tải T.Ư III, hiện nay có nhiều người lập ra các fanpage đào tạo lái xe để chiêu sinh học viên. Những người này cam kết "bao đậu" để đánh lừa học viên nộp tiền nhưng sau đó "mất dạng" khiến không ít nạn nhân "nhận quá đắng" vì mất tiền.
"Đừng tin vào những lời hứa "bao đậu". Người học bằng lái B1, B2, C phải học lý thuyết lẫn thực hành. Phải học pháp luật giao thông đường bộ, đạo đức văn hóa giao thông, kỹ thuật lái xe, học phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông, học thực hành lái xe, học thực hành trên cabin... Nếu không học lý thuyết đủ thời gian quy định, không thực hiện lái xe trên sân tập lái cũng như trên đường giao thông đúng như số km yêu cầu thì sẽ không được thi. Nói như vậy để hiểu, chẳng thể có chuyện không học mà có bằng. Chuyện học và thi lái xe được các cơ quan có thẩm quyền quản lý nghiêm ngặt. Còn những cam kết "bao đậu" chỉ là lừa người học", ông Tuân nói.
Ông Tuân cũng khuyên: "Để không phải mất tiền oan uổng, khi có nhu cầu học lái xe, nên đến đăng ký học trực tiếp tại các trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe, các trường dạy lái xe được cấp phép. Tuyệt đối không nên tin vào những chiêu dụ "bao đậu".